Ớt là gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn Việt. Đây là loại cây dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều nhà nông ưa chuộng. Tuy nhiên, để có mùa vụ bôi thu, năng suất, ớt sai hoa trĩu quả, bà con cần chú trọng đến các vấn đề về sâu và bệnh cho cây. Một số loại bệnh thường gặp trên cây ớt có thể kể đến như bệnh héo rũ gốc mốc trắng, bệnh thán thư, bệnh chết nhanh ớt,…Vậy dấu hiệu nhận biết các bệnh trên cây ớt là gì? Cách phòng tránh chúng như thế nào. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu dưới đây nhé.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CÁC LOẠI BỆNH CHÍNH TRÊN CÂY ỚT
Bệnh thán thư trên ớt
Bệnh thán thư hại ớt (ảnh: sưu tầm)
1/ Nguyên nhân gây bệnh:
Nấm Colletotrichum gloeosporioides là nguyên nhân gây ra bệnh thán thư.
2/ Triệu chứng nhiễm bệnh
- Dầu hiệu ban đầu của bệnh xuất hiện các đốm đen nhỏ, hơi lõm xuống trên trái.
- Vài ngày sau, vết bệnh nặng hơn, kéo dài ra cả quả, có màu vàng nhạt đến trắng xám, đen. Bên trong các vết đốm có những vòng đồng tâm nhô lên và những chấm vàng nhỏ li ti. Trái khô và teo lại.
- Thậm chí, trái ớt sau thu hoạch vẫn có thể mắc bệnh này.
- Ngoài ra, bệnh thán thư trên cây ớt còn hại trên cả thân, lá: phần cuống lá và thân bị bong vỏ, chồi chuyển sang màu nâu đen. Khi bệnh phát triển mạnh, hoa tàn và rụng, khả năng đậu quả giảm.
- Cây khi bị bệnh thán thư còi cọc, kém phát triển, thậm chí là chết
3/ Điều kiện phát sinh
- Ở nước ta bệnh thán thư xuất hiện nhiều từ tháng 5 đến tháng 9 vào giai đoạn thu hoạch quả.
- Khi gặp nhiệt độ và độ ẩm cao (nhiệt độ là 28 – 30 độ C),loại bệnh này phát triển cực mạnh.
- Với những ruộng ớt mất cân đối dinh dưỡng, thoát nước kém, bón đạm nhiều làm bệnh phát sinh nhanh và nặng hơn, có thể gây mất mùa.
Bệnh héo rũ gốc mốc trắng trên ớt
1/ Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh héo rũ mốc trắng trên cây ớt là do nấm Sclerotium Rolfsii gây ra. Bệnh này phát triển rất nhanh trong điều kiện nhiệt độ cao từ khoảng 25 – 30 độ C. Hạch nấm có thể tồn tại trong đất khô lên tới 5 năm nhưng chỉ sống 2 năm trong đất ẩm.
2/ Triệu chứng nhiễm bệnh
Triệu chứng của bệnh trên cây ớt thể hiện rõ nhất từ khi cây ra hoa, thành quả và cho đến khi bà con thu hoạch. Ban đầu, nấm xâm nhập vào gốc thân sát mặt đất, tạo ra các vết bệnh nhỏ, hơi lõm màu nâu rồi lan rộng ra quanh gốc cây và xuống rễ. Sau đó, bệnh lan rộng lên phía thân, cành làm cho mô bị bệnh thối hỏng.
Thông thường, khi mắc bệnh trên cây ớt, lá phía dưới héo rũ trước, vàng khô rồi về sau toàn bộ cành héo chết. Gốc cây mắc bệnh có phủ một lớp sợi nấm màu trắng, mịn và dày, lan rộng ra cả xung quanh mặt đất.
3/ Điều kiện phát sinh
- Bệnh héo rũ gốc mốc trắng thường phát triển trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.
- Chế độ độc canh của bà con cũng ảnh hưởng, khiến cho bệnh phát triển mạnh.
- Hạch bệnh có thể tồn tại trong đất nhiều năm, nếu đất khô càng khiến cho hạch tồn tại và phát triển lâu hơn.
Bệnh héo xanh ớt
Bệnh héo xanh hại ớt (ảnh: sưu tầm)
1/ Nguyên nhân gây bệnh
Héo xanh vi khuẩn là bệnh trên cây ớt do vi khuẩn Ralstonia Solanacearum (Pseudomonas solanacearum) gây ra.
2/ Triệu chứng nhiễm bệnh
Bệnh héo xanh ớt thường có triệu chứng ngay sau khi vi khuẩn xâm nhập vào rễ hoặc phần thân sát mặt đất.
Khi bị bệnh này, ban ngày lá cây sẽ mất màu nhẵn bóng, tái xanh và héo cụp xuống. Tuy nhiên, cây có thể phục hồi lại như bình thường vào ban đêm.
Nếu sau 2 đến 3 ngày mà cây không thể phục hồi được, toàn cây sẽ bị héo rũ rồi chết.
Khi cắt ngang thân cây, bà con sẽ thấy bó mạch dẫn có màu nâu hoặc nâu đen, nhúng đoạn thân vào cốc nước sẽ thấy dịch vi khuẩn chảy ra màu trắng sữa.
3/ Điều kiện phát sinh
- Bệnh gây phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm, nhất là khi thời tiết nắng mưa xen kẽ.
- Vi khuẩn có thể tồn tại trong đất từ 5 – 6 năm, còn trong hạt giống là khoảng 7 tháng. Vi khuẩn chủ yếu tồn tại trong đất, là tàn dư của cây bệnh trở thành nguồn bệnh cho các vụ mùa sau.
Bệnh chết nhanh ớt
1/ Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh hại cây ớt do loài nấm Pythium sp và Fusarium sp gây ra khiến cây bị chết nhanh.
2/ Triệu chứng bệnh
- Một số cây ớt bị bệnh chết nhanh vẫn có hiện tượng sáng và chiều lá vẫn tươi nhưng buổi trưa lại bị héo.
- Vài ngày sau đó cây mới bị héo hoàn toàn, lá rụng và trái ớt bị giảm kích thước đáng kể.
- Khi nhổ cây ớt lên, bà con sẽ thấy rễ bị thối và có màu nâu.
3/ Điều kiện phát sinh
Độ ẩm và nhiệt độ càng cao khiến bênh chết nhanh ớt phát triển càng mạnh.
Cây ớt bị xoăn lá
Cây ớt bị xoăn lá (ảnh: sưu tầm)
1/ Nguyên nhân gây bệnh
Do virus gây ra, rầy mềm, bù lạch chích hút tạo thành môi giới truyền bệnh.
2/Triệu chứng bệnh:
- Biểu hiện thấy rõ nhất là lá xoăn lại hoặc mép lá cong lên, lá nhỏ dần đi.
- Trên phiến lá xuất hiện đốm, vệt hoặc từng mảng vàng nhạt xen lẫn mảng xanh làm lá có màu loang lỗ.
- Cây trở nên dòn và dễ gãy.
- Khi cây ớt bị xoăn lá nặng, lá khô, rụng và chết dần, phần chồi ngọn cũng bị chết, hoa héo vàng, trái nhỏ, méo mó.
3/ Điều kiện phát sinh
Khi thời tiết nắng nóng, bệnh phát triển mạnh. Vào mùa mưa, cây ớt bị xoăn lá nhưng nhẹ hơn.
CÁCH PHÒNG TRỪ CÁC BỆNH TRÊN CÂY ỚT
Để hạn chế các loại bệnh hại cây ớt, bà con áp dụng ngay các biện pháp dưới đây:
Biện pháp canh tác
- Khi chọn giống cây để trồng, bà con nên chọn các loại giống sạch bệnh, khỏe. Đây là bước rất quan trọng, bà con không nên sử dụng giống ở vườn cây bị bệnh hoặc mua các loại giống không uy tín.
- Bà con nên xử lý đất thật kỹ trước khi trồng, việc này có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ở các cây rõ rệt.
- Nên vệ sinh đồng ruộng thường xuyên, thu gom tất cả các trái bệnh đem tiêu hủy để hạn chế bệnh lây lan bởi nấm tồn tại trên các tàn dư thực vật.
- Phải làm cho ruộng vườn thông thoáng bằng cách không nên trồng ớt quá dày và duy trì dọn cỏ bằng tay hoặc các biện pháp dọn cỏ an toàn, tránh sử dụng thuốc diệt cỏ để hạn chế cây bị ngộ độc. .
- Khi trồng, bà con nên làm luống cao và hệ thống thoát nước tốt. Nên tưới lượng nước vừa đủ khi chăm sóc cây.
- Bón phân cân đối, tuyệt đối không bón nhiều phân có hàm lượng đạm (N) cao bởi nó sẽ khiến lá xanh mướt, tạo cho nấm bệnh trên cây ớt phát triển mạnh.
- Không nên trồng liền vụ ớt hoặc cà mà bà con nên luôn phiên các cây khác họ.
- Tăng cường bón các loại phân hữu cơ pha trộn với các chế phẩm sinh học cho vườn ớt.
- Thường xuyên đi thăm nom ruộng ớt để phát hiện bệnh đốm trái kịp thời.
Trên đây là dấu hiệu 5 loại bệnh trên cây ớt phổ biến nhất. Để quản lý dịch bệnh tốt hơn, bà con cần chủ động phòng trừ sớm để tránh trường hợp không cứu được cây ớt. Chúc bà con có vụ mùa năng suất, sạch bệnh.